Đến với Đồng Tháp, các bạn không chỉ thưởng thức được khung cảnh thiên nhiên với rừng tràm, ruộng sen, vườn cò mà còn được thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn. Hãy cùng Top10sanpham điểm qua 10 món đặc sản Đồng Tháp hấp dẫn.
Quýt hồng Lai Vung – Đặc sản Đồng Tháp
Vùng đất Lai Vung (Đồng Tháp) được phù sa bồi đắp quanh năm nên đất đai màu mỡ, cây cối phát triển tươi tốt. Nhờ điều kiện thuận lợi này nên giống quýt hồng ở đây phát triển vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Quýt hồng Lai Vung nổi bật với hương vị thơm, ngọt, vỏ mỏng và ít hạt. Quý hồng được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu.
Nem Lai Vung – Vang danh bốn phương
Nem Lai Vung gắn liền với địa danh huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Từ lâu loại nem chua chua, ngọt ngọt này đã vang danh khắp trong Nam lẫn ngoài Bắc. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận nem Lai Vung vào “Top” 14 đặc sản nổi tiếng và giá trị Việt Nam năm 2012.
Nem Lai Vung có hương vị thơm ngon, độc đáo. Nguyên liệu để làm nem gồm có thịt heo nạc xay nhuyễn, da heo (bì) xắt nhỏ trộn với thính (gạo rang), tỏi thái mỏng, hạt tiêu để nguyên hạt… Tùy theo bí quyết riêng của từng người mà có cách làm nem khác nhau.
Hủ tiếu Sa Đéc – Đậm đà chất Nam Bộ
Hủ tiếu là món ăn quen thuộc của người dân Nam Bộ. Dù có nhiều nơi làm món này nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn mang hương vị riêng. Hủ tiếu Sa Đéc độc đáo ở nguyên liệu làm bánh và nước dùng. Sợi bánh được làm từ bột gạo Sa Đéc, loại bột nổi tiếng hơn 100 năm nay và được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Nước dùng với hủ tiếu được nấu bằng xương heo (xương ống) và một số gia vị “bí truyền”, tạo ra hương vị thơm, ngọt đậm đà.
Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non – Đặc sản nổi tiếng ở miền Tây
Cá lóc nướng trui là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây. Tuy nhiên, cá lóc nướng cuốn lá sen non có lẽ chỉ ở vùng Đồng Tháp Mười mới phổ biến. Cá lóc tươi mang về sẽ được rửa sạch, sơ chế, bỏ mật cá để cả vảy rồi lấy muối hạt rửa lại, để ráo nước. Người chế biến thường dùng một cây sả tươi luồn thẳng từ miệng cá xuống dưới thân rồi đem nướng. Cách làm này vừa khử tanh vừa mang lại hương vị thơm ngon cho cá.
Lẩu mắm – Hương vị thơm lừng
Nếu có dịp về thăm Đồng Tháp Mười, du khách nhất định phải thử món lẩu mắm. Món ăn này hấp dẫn du khách gần xa nhờ nguyên liệu phong phú, hương vị thơm lừng và màu sắc bắt mắt. Lẩu mắm được chế biến công phu qua nhiều công đoạn, trong đó khâu nấu nước lẩu được xem là quan trọng nhất.
Bánh phồng tôm Sa Giang – Đặc sản Đồng Tháp Mười
Nói đến “Top” đặc sản Đồng Tháp Mười đầu tiên phải nhắc đến đó là bánh phồng tôm Sa Giang – Sa Đéc. Bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới, được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Bánh được chế biến từ bột khoai mì tinh chế kết hợp với tôm xay nhuyễn, một ít hạt tiêu đập dập và một số gia vị: muối, đường, bột ngọt. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải hình ống và đưa vào nồi hấp. Sau khi hấp chín, những cây bột này sẽ được cắt thành từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô, đóng gói cẩn thận và cung cấp ra thị trường.
Đặc sản Cá linh Đồng Tháp
Cá linh là đặc sản thường chỉ có vào mùa nước nổi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp Mười. Khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, cá linh theo dòng nước phù sa từ thượng nguồn đổ về rất nhiều.
Cá linh có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất vẫn là nấu lẩu với bông điên điển. Cá linh để nguyên con, móc ruột, rửa sạch, để ráo rồi sắp ra đĩa. Đợi nồi lẩu sôi sùng sục, nêm nếm gia vị cho vừa ăn thì cho cá linh, bông điên điển, bông súng, rau thơm vào. Lẩu bông điên điển cá linh non ăn nóng cùng với bún hoặc cơm nóng đều được.
Mứt chuối phồng – Hấp dẫn
Mứt chuối phồng hay còn gọi là kẹo chuối là một đặc sản nổi tiếng của vùng Đồng Tháp Mười. Mứt chuối phồng được làm từ các nguyên liệu bình dân như chuối, gừng, đậu phộng, mè, nước cốt dừa, đường và nhiều gia vị khác.
Cách làm mứt chuối phồng khá đơn giản. Chuối sau khi hái từ vườn về đem ủ cho chín tự nhiên rồi ép phơi khô từ 2 đến 3 đợt nắng. Dừa khô đem bào mỏng, gừng xắt sợi, đậu phộng và mè rang vàng, chuẩn bị sẵn đường cát và bánh phồng sữa… Sau đó, bắc chảo lên bếp cho nóng rồi sên mứt cho đến khi không dính chảo nữa thì có thể tắt bếp.
Hồng Sen Tửu – Hương vị đặc trưng
Được thiên nhiên ban tặng cho những cánh đồng sen bát ngát, người dân Đồng Tháp Mười đã tận dụng để làm ra một loại rượu có hương vị đặc trưng, đó là Hồng Sen Tửu. Loại rượu này được nấu theo cách truyền thống từ hạt sen, củ sen, tim sen, nếp cùng men bột sen. Quy trình để nấu rượu sen rất công phu với công nghệ sản xuất gia truyền, hoàn toàn tuân thủ theo một quy trình thủ công nghiêm ngặt.
Bánh xèo Cao Lãnh – Đặc sản Đồng Tháp hấp dẫn
Bánh xèo là món ăn phổ biến ở cả miền Nam, Trung và Bắc. Thế nhưng tại mỗi địa phương, bánh xèo có cách chế biến khác nhau. Nổi bật ở miền Tây Nam Bộ phải kể đến là bánh xèo Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Bánh ở đây được chế biến công phu từ nguyên liệu cho đến nước chấm. Bánh được làm từ bột gạo, chọn loại gạo ngon nhất để làm. Nhân bánh thường có củ sắn (củ đậu) xắt mỏng, giá, tôm, thịt heo băm nhỏ/thịt vịt… Khi đổ bánh, người ta bắc chảo lên bếp, chờ chảo nóng thì tráng phần bột mỏng rồi cho lần lượt các loại nhân vào. Đợi bánh giòn thì gập đôi lại và đổ ra đĩa.
Nếu có dịp đến Đồng Tháp, bạn đừng bỏ qua những món đặc sản hấp dẫn này.
Mời bạn xem thêm: Top đặc sản của Tiền Giang hấp dẫn du khách
- Vinh danh top 10 phim trường chụp ảnh gia đình tphcm đẹp nhất
- Top những thương hiệu tương ớt được ưa chuộng nhất hiện nay
- Top đặc sản Cần Thơ – Ẩm thực Tây Đô hấp dẫn (Phần 2)
- 10 địa chỉ chụp hình phóng sự cưới giá rẻ chuyên nghiệp tại Hồ Chí Minh
- Lưu ngay những địa điểm chụp ảnh ngoại cảnh đẹp ở Sài Gòn